Chàng ca sĩ dân tộc Tày đi lên từ khó khăn Đã làm rất nhiều nghề chân tay để kiếm sống và theo đuổi đam mê
Bỗng dưng nổi như cồn chỉ sau một đêm, trở thành giọng hát được nhiều người “săn lùng” tung tích, Mai Trần Lâm từ chỗ không nghĩ rằng mình biết hát đã nhen nhóm ước mơ trở thành ca sĩ. Và chàng trai dân tộc Tày này đã chạm đến ước mơ một cách đầy ngoạn mục!
Không lâu sau đó, Mai Trần Lâm quyết định thử sức ở một sân chơi âm nhạc chuyên về dòng Bolero trong sự khích lệ và động viên của nhiều người, trong đó có cả những người anh chưa bao giờ gặp mặt. Anh bị loại khi đã tiến sâu vào vòng chung kết và kết quả này đã khiến dư luận “dậy sóng” vì không hài lòng.
Cuộc thi bị “ném đá”, nhiều người còn tuyên bố “loại Lâm là hết muốn xem!”. Một lần nữa, Mai Trần Lâm lại gây sốt. Từ chỗ không nghĩ mình biết hát và hát nghiệp dư, chàng trai dân tộc Tày đã thực sự trở thành ca sĩ.
Làm đủ nghề lao động tay chân
Gặp Mai Trần Lâm mới thấy chàng trai ngoài 30 này già trước tuổi. Sự từng trải hiện rõ trên khuôn mặt và cả trong suy nghĩ của nam ca sĩ dân tộc Tày sinh ra ở vùng quê nghèo Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ít ai biết rằng để có được một Mai Trần Lâm như ngày hôm nay là cả một quãng thời gian dài anh phải vật lộn với đủ thứ nghề mưu sinh, từ làm thuê, đi đập đá, bán kem que, đến làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhớ lại, Mai Trần Lâm vẫn không sao quên được những năm tháng còn ở quê nhà, nhiều hôm đi đập đá, mảnh vỡ bắn vào chân, vừa đau vì chân chảy máu nhiều, anh lại vừa chảy nước mắt vì tủi thân.
Rồi Mai Trần Lâm quyết định vào TP.HCM tìm việc, bắt đầu quãng thời gian 7 năm làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhẫn nại chắt chiu từng đồng gửi về giúp gia đình, còn lại dành dụm lo cho tương lai. Đến giờ, Mai Trần Lâm vẫn nhớ cảm giác tủi cực khi phải làm liên tục như một cái máy, nhiều lúc không chịu nổi vất vả, anh chui vào nhà vệ sinh ngồi khóc.
Đời công nhân cực nhọc là thế nhưng đến tối, những hôm không phải tăng ca là anh lại xin đi làm nhân viên bồi bàn ở các quán cà phê và phòng trà. Và niềm vui sướng nhất với Mai Trần Lâm khi đó là những khi quán hết người hát, anh lại xin lên hát và được hát thỏa đam mê dù chẳng ai trả cát-sê. Dần dà, bằng giọng hát của mình, anh xin làm thêm MC và đi hát ở các đám cưới.
Cuộc sống của Mai Trần Lâm khi đó gói gọn trong hai từ tiết kiệm, như anh dùng một gói dầu gội đầu chia ra gội đến 5-6 lần, bữa sáng mua gói xôi 500 đồng, bữa tối là gói mì cũng 500 đồng. Có lẽ cũng bởi sự chắt chiu tằn tiện đó mà sau vài năm, anh chàng công nhân này còn mở được ảnh viện áo cưới với chút vốn nho nhỏ dành dụm được.
Thế rồi dự án áo cưới “xẹp” vì kinh doanh không được, anh lại mở cửa hàng điện thoại, rồi quảng cáo. Ý thức được mình kinh doanh “hâm” lắm, nhưng Mai Trần Lâm vẫn muốn thử vì muốn kiếm tiền và chấp nhận trả giá cho sự thất bại của mình.
Từ chối scandal và nói không với đại gia
Mai Trần Lâm nói vui giờ các tài sản có giá trị trong gia đình, anh đều có “cổ phần” một tý, chiếc xe máy thì anh “cổ phần” cái bánh xe, cái tủ lạnh thì anh “cổ phần” cái cánh cửa. Ngôi nhà tranh vách đất xập xệ không có một thứ gì đáng giá trong ký ức của anh giờ đã được cải thiện hơn nhiều.
Dù thế, anh chưa bao giờ quên tuổi thơ đi nhặt củ mài, mót thóc với hai chiếc quần chun thi nhau tụt và đôi dép tổ ong hàn chi chít. 6 năm sau khi thi đỗ vào trường Đại học Văn hóa năm 2004 song đành phải bỏ vì không có tiền theo học, Mai Trần Lâm quyết định ghi danh thi lại vừa để chiều lòng bố mẹ, vừa để “phục thù” và anh đã thành công. Niềm ao ước được trải qua quãng đời sinh viên của anh đã trở thành hiện thực.
Hỏi Mai Trần Lâm, giờ nổi tiếng rồi có sợ không vượt qua được những cạm bẫy và cám dỗ trong showbiz không, anh cười rất hiền rồi kể, từng có đại gia đồng tính hứa hẹn cho anh nhà cửa, xe cộ nhưng anh từ chối. Mai Trần Lâm là vậy, chàng ca sĩ dân tộc Tày đi lên từ lam lũ và bình dị, chất phác đến lạ lùng.