Kinh nghiệm sản xuất của người Tày Để có một mùa màng bội thu:“Bươn slí lồng chả, bươn hả đăm nà”
Trong canh tác, người Tày – Nùng xưa chia làm 2 loại ruộng: “nà nặm” là loại ruộng sẵn có nguồn nước mạch tại chỗ, thuận tiện cho việc canh tác; “nà lẹng” thường là những chân ruộng bậc thang cao, khô nước, phải chờ nguồn nước mưa và khe núi đưa xuống
Để cấy lúa, đất được cày ải, đắp bờ giữ nước và phải bừa 3 lần mới được cấy lúa; lần 1, bừa cho đất mịn lắng xuống nước để ủ đất; lần 2, bừa cho đất nhuyễn; lần 3, bừa đất tạo mặt phẳng để thực hiện cấy lúa. Sau khi bừa xong lần 2, thực hiện thao tác đắp bờ, gọi là “khứn khằn nà”, sẽ giữ nước trong ruộng được lâu hơn, không gây thất thoát nước. Để cây sinh trưởng tốt, chủ yếu dùng phân chuồng là nguồn phân bón chính và quy định mỗi ống giống lúa sử dụng 1 gánh phân chuồng, ngoài ra, bón thêm phân xanh làm từ các loại lá cây. Sự kết hợp giữa phân chuồng và phân xanh tạo cho chất đất tơi xốp, màu mỡ, giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất, sản lượng cao.
Khi gieo cấy, thực hiện theo nguyên tắc thời vụ nên người Tày – Nùng có câu: “Bươn slí lồng chả, bươn hả đăm nà” (tạm dịch: Tháng Tư gieo mạ, tháng Năm cấy lúa). Đến tiết hạ chí, người dân không cấy lúa bởi đúc kết kinh nghiệm từ nhiều năm, sau hạ chí khi cấy, cây lúa không phát triển tốt: “Hạ chí bâu đăm nà, đông chí bâu lồng thua” (tạm dịch: Hạ chí không cấy lúa, đông chí không gieo đậu đỗ).
Ngoài trồng cây lúa, Người Tày còn có những kinh nghiệm với các loại cây trồng khác, như: Cây đỗ tương thời điểm làm đất, nhân dân tận dụng vào lúc trời nắng để cày bừa và gieo trồng, hạn chế cỏ dại; tận dụng vào mùa thu hoạch ngô để gieo đỗ, phủ thêm một lớp thân cây ngô tạo độ ẩm cho cây đỗ sinh trưởng và phát triển tốt; cây tỏi cũng thực hiện thao tác trồng tương tự nhưng phải đánh luống, trồng vào mùa đông, mặt luống phủ bằng rơm… Mỗi loại cây trồng được người Tày – Nùng gắn với bí quyết riêng biệt từ chọn giống, cách chăm sóc, thời vụ, thời tiết. Người nông dân phỏng đoán khí hậu dựa vào vạn vật thiên nhiên để suy luận ra ngày nắng, mưa, lạnh… Ví dụ, khi con tắc kè kêu tiếng lẻ thì trời mưa, tiếng chẵn thì trời nắng; con mối có cánh xuất hiện bay quanh ngọn đèn lúc tối sẽ có mưa; ở các bờ sông, suối xuất hiện loại động vật gọi là “tua cắc khạc” thuộc họ hàng nhái kêu thì thời tiết nóng, khi lên bờ thì thời tiết lạnh…
Người Tày có quan niệm, thành quả mỗi mùa vụ không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào ý thức của con người. Trải qua những vất vả “một nắng hai sương” để thu hoạch mùa màng thắng lợi, người Tày – Nùng không quên nhắn nhủ con cháu nhớ đến công lao người làm ra hạt lúa: “Muối khẩu cẩu muối thứa” (tạm dịch: Một hạt gạo chín hạt mồ hôi), “Pát khẩu cẩu tẻo vài” (tạm dịch: Một bát cơm chín đường cày).
Trong sản xuất nông nghiệp, người Tày – Nùng còn thực hiện nghi lễ tâm linh như: Lễ hội xuống đồng, cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi; lễ “diệt sâu bọ” vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch; Tết “Khoăn vài” (thu vía cho trâu) vào ngày mùng 6 tháng 6 hằng năm để con người tạ ơn trâu, bò đã vất vả giúp nông dân cày ải, làm đồng… Đi đôi với nghi lễ, ngày Hạ chí được nhân dân kiêng kị tránh sự sai phạm đối với đất trời bởi quan niệm nếu sai phạm thì sẽ bị trời đất trừng phạt, xảy ra hạn hán hoặc mưa nhiều… Do đó, ngày Hạ chí không thịt gà, vịt, mà thịt chó để tạ ơn trời đất, đồng thời kiêng ra đồng không được đội nón, con gái không được đi lại từ làng này sang làng khác, không đốt lửa…