Lạ đời cảnh đám ma không quan tài và món nợ khổng lồ sau ma chay của người Mông
Theo phong tục từ xưa của người Mông, khi gia đình có người chết, thay vì bỏ vào quan tài, người thân sẽ mời thầy khèn về làm lý, treo thi thể lên giữa nhà thay vì bỏ vào quan tài như những nơi khác.
Cách đây nhiều năm, khi nhắc về đồng bào dân tộc Mông xã Hố Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu), mọi người lại nghĩ ngay đến hủ tục không đưa người chết vào áo quan. Thay vào đó sẽ treo thi thể lên giữa nhà trong suốt nhiều ngày. Vì hủ tục trên, chính quyền địa phương đã phải thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của các đồng bào ở đây.
Hủ tục của người dân tộc Mông tại xã Hố Mít từng là vấn đề gây nhức nhối của chính quyền địa phương
Trước đây, khi trong gia đình có người chết sẽ mời thầy khèn làm “lý” và treo tử thi lên giá đỡ, tiến hành cúng cơm tổ chức ăn uống linh đình ngay tại nhà có người chết đến khi đưa đi chôn. Sau khi đưa người đã khuất ra nghĩa địa, gia đình lại tiến hành mổ trâu, bò… tiếp tục cúng và phơi nắng người chết 1/2 ngày mới chôn. Thời điểm đó, một đám tang của người Mông nơi đây thì người chết sẽ để treo từ 3/7 ngày tùy theo việc gia đình đi xem bói, thầy bói bảo là sẽ chôn cất ngày nào thì gia đình sẽ thực hiện chôn cất ngày đó. Chính vì thế, sau mỗi đám tang theo hủ tục người H’Mông là một gia đình khánh kiệt, đói nghèo. Họ phải chi trả số tiền khổng lồ từ số trâu bò phải giết đến thóc gạo, rượu thịt đem ra đãi họ hàng, không biết bao nhiêu cho đủ.
Sau mỗi đám tang, người dân nơi đây phải gánh trên mình món nợ khổng lồ
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể thấy việc tổ chức đám tang theo hủ tục này không phù hợp với nếp sống văn minh ở thời đại ngày nay. Không chỉ vậy, hủ tục này còn gây tốn kém về mặt kinh tế ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khó phòng tránh những căn bệnh lây lan, dễ gây phát tán bệnh dịch. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã nhận định rằng đây là một tập tục cần phải xóa bỏ.
Bắt đầu từ 2015, chính quyền địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch xóa bỏ hủ tục này. May mắn là, đến thời điểm hiện tại, ý thức của đồng bào dân tộc tại đây đã được nâng cao đáng kể, đám ma của người dân xã Hố Mít đã được thực hiện theo đúng nghi lễ nếp sống văn hóa mới và phù hợp tập quán của dân tộc.
Từ đó có thể thấy, việc thay đổi nhận thức của người dân với phong tục, tập quán lạc hậu nhưng có từ lâu đời không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải “kiên trì bền bỉ, mưa dần thấm lâu” với phương châm bốn cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”.