Người phụ nữ đã giữ gìn và phát huy văn hóa người tày giúp dân tộc Tày vươn tầm thế giới
hình ảnh văn hóa dân tộc Tày do Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) tái hiện đã ấn tượng sâu đậm với nhiều người. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Hải (55 tuổi – dân tộc Tày), người sáng lập khu bảo tồn đầu tiên của Thái Nguyên, chính là 1 trong 20 người trong Cuốn sách câu chuyện du lịch Việt Nam 2019.
Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, năm 2003, bà Nguyễn Thị Thanh Hải chuyển đến xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên sinh sống. Theo như lời bà Hải mô tả, nơi đây là ốc đảo nằm giữa thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km.
“Hồi đó, gia đình tôi rất nghèo nên chỉ đủ tiền lấy khu đất cằn nhất, thuộc xóm nghèo nhất của xã Thịnh Đức. Những ngày đầu, nơi đây là khu đất trống đồi trọc, vì thế, tôi đã tìm mua một số loại cây, rau cỏ và bắt đầu gieo trồng. Tôi cùng mọi người trong gia đình dựng một nhà sàn để chăn nuôi lợn, gà ở ngay phía dưới…” – bà Hải nhớ lại.
Nhờ sự chăm sóc của gia đình bà Hải, đất đai nơi đây được cải tạo, cây cối, rau cỏ đã xanh um, gia đình bà Hải cũng dịch chuyển chăn nuôi ra phía ngoài và bắt đầu chuyển đến ở nhà sàn đó. Từng bước, bà tiếp tục dành nhiều khoảnh đất để trồng các loại rau xanh và trồng thêm rất nhiều loại cây khác tốt cho sức khỏe… Đây chính là khởi đầu xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải sau này của bà Hải.
Ý tưởng mở rộng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái, theo như lờicủa bà Hải là bắt đầu từ lời căn dặn của bố mẹ bà rằng, sau này dù có đi đâu hay làm bất cứ công việc gì cũng không được đánh mất tiếng nói và phong tục tập quán dân tộc mình. Vì thế, khi bắt đầu bắt tay xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, bà Hải không có ý định sẽ làm du lịch mà chỉ để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa.
Để gây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc, bà Hải đã cho bạt đồi, đào hồ, phủ xanh 10ha rừng và chuyển 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc từ vùng ATK Định Hóa có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ về. Bằng sự cần mẫn, nhiệt huyết, trải qua không ít khó khăn, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được hình thành và không ngừng hoàn thiện. Dưới bàn tay chăm sóc của cả tập thể do bà Hải điều hành nơi đây đã sớm trở thành ngôi nhà chung của vài chục gia đình với hơn 200 người thuộc các dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ…
Năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải bắt đầu đón người vào thăm quan được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày; tự chế biến và thưởng thức ẩm thực mang hương vị núi rừng; trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng bản làng (làm thuốc Nam, hái và chế biến chè, nấu rượu, đánh cá, xay lúa, giã cốm, nghe đàn tính, hát then…); chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống.
Năm 2014 Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là khu du lịch tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là điểm du lịch địa phương, góp phần tạo nơi du lịch mới của tỉnh. bà Hải cho biết, sau 15 năm phát triển, Thái Hải đã trở thành điểm đến thú vị đối với du khách, mỗi năm đón khoảng 10 nghìn lượt đến từ các vùng miền của Việt Nam và hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Lợi ích thu về từ hoạt động du lịch tại đây đã không chỉ giúp thay đổi cuộc sống gia đình tôi so với trước mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm con người”- bà Hải cho hay.
Không chỉ là điểm du lịch, bảo tồn văn hóa, Thái Hải cũng là “nhà” của nhiều hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người già, người cô đơn, những em nhỏ không đến trường cùng tham gia gìn giữ văn hóa Tày… Thời gian qua, bà Hải đã triển khai, làm trường mầm non và trường tiểu học để dạy dỗ các em từ khi còn nhỏ. Hàng ngày, ngoài học kiến thức cơ bản dựa trên nền tảng văn hóa và phong tục Tày, các em còn được học tiếng Tày, tiếng Kinh và tiếng Anh. Không chỉ vậy, những em có khả năng học đại học hay du học sẽ được giúp đỡ để có thể thực hiện ước mơ của mình; những em còn lại được đào tạo để trở thành nhân viên ngay tại bản làng.