Bật mí về loại гượย đặc sản của dân tộc Nùng khiến nhiều người mê mẩn dù chỉ mới ngửi thấy mùi hương
Loại rượu đặc sản của người dân tộc Nùng khiến ai thử qua một lần đều nhớ mãi không quên. Đặc biệt, khi uống loại rượu này bạn sẽ không bị đau đầu như những loại rượu thường thấy. Đây mới chính là đặc điểm được ưa chuộng nhất của rượu men lá.
Bên cạnh những sản vật nổi tiếng của Lục Ngạn (Bắc Giang) như vải thiều, cam đường Canh, nếp cái hoa vàng, mỳ Chũ, mật ong… thì từ lâu, sản phẩm truyền thống rượu men lá của người Nùng ở xã Kiên Thành (hay còn gọi là rượu Kiên Thành) đã được nhiều người biết đến và xem như một đặc sản không thể thiếu của vùng đất vải thiều.
Rượu men lá được xem là đặc sản của người dân tộc Nùng
Loại rượu này có những nét đặc trưng riêng không thể pha trộn như: Rượu có nồng độ cao nhưng lại luôn dịu êm dễ uống (dù nồng độ cao), có hương thơm tự nhiên của lá cây rừng và đặc biệt là người uống sẽ không bị đau đầu cho dù có vô tình uống đến say… nên sản phẩm rượu men lá Kiên Thành ngày càng được nhiều người ưa chuộng.
Ít ai biết rằng, để làm ra những giọt rượu Kiên Thành thơm ngon nổi tiếng, bà con dân tộc Nùng ở nơi đây đã phải vất vả thực hiện nhiều công đoạn từ: lên rừng hái lá làm men, đến việc chọn gạo nấu cơm, rồi bắt men lá vào cơm, sau đó ủ men, rồi chưng cất rượu… . Trong đó, mỗi một công đoạn lại đòi hỏi kỹ thuật và cả sự tỉ mỉ khéo léo riêng.
Ông Nam – một người làm rượu lâu năm cho biết, làm men lá nhất thiết phải có đủ 5 loại lá: Rời rời, trăm rễ, hoa vàng, tai chó và vạt hương. Trong đó lá vạt hương chính là lá quan trọng nhất giúp tạo ra hương vị đặc trưng cho rượu. Tiếng Nùng gọi là lá giá pèng. Trong đó, cây vạt hương rất quý và hiếm nên không phải nhà nào cũng có thể mua được. Bên cạnh đó, người làm men phải có kinh nghiệm đi rừng thì mới nhận ra được những thứ lá trên mà lấy cho đúng. Sai hay thiếu lá thì men không thành và rượu không ngon.
Cách làm rượu cũng phải tỉ mỉ đến từng công đoạn: Đầu tiên, phải đem tất cả về xếp rồi phân loại, phần rễ, vỏ cây thì rửa sạch, để khô nước, sau đó mới xay nhỏ. Phần lá cây cũng xay nhỏ, riêng thân cây rời thì đem luộc thân cây lấy nước.
Nếu có cơ hội đến với Lục Ngạn, hãy thử một lần uống rượu men lá nhé
Tất cả xay nhỏ xong thì trộn với bột gạo nứt xay nhỏ và có dùng cả quả men cũ (đã lên mốc) trộn vào theo tỷ lệ bột gạo, rồi nhào nặn thành từng quả men to như quả trứng gà, sau đó hong phơi liên tục, để men được tráng qua lớp trấu, giúp men thẩm thấu hương lúa từ vỏ trấu, như thế rượu càng ngon hơn và cũng để tránh bị bẩn, bị chuột phá.
Điều đặc biệt, người dân ở đây bảo, men có tốt, có đạt chất lượng hay không còn do “vía” của người ủ, ai nặng vía, đi đám ma về ủ men thì men hỏng ngay, trời lạnh quá men cũng không lên.
Chính vì công phu và cầu kỳ như thế nên loại rượu này mới được xem là đặc sản của người dân tộc Nùng ở vùng Lục Ngạn. Nếu có dịp đến vùng đất này, bạn hãy thử một lần uống thử loại rượu này nhé.